Bạn đã biết cách để mèo cũ làm quen mèo mới chưa? Khi bạn mang mèo mới về nhà, có khả năng mèo cũ của bạn sẽ gây hấn hoặc đánh mèo mới. Đây là điều hoàn toàn bình thường, quan trọng là bạn phải biết cách để mèo làm quen với mèo mới.
Mang một con mèo mới về nhà là một niềm vui. Nhưng hẳn là bạn cũng nơm nớp lo làm sao để mèo cũ quen mèo mới; vì mèo là loài động vật xã hội, nhưng đồng thời, chúng cũng có tính lãnh thổ và đa nghi. Vậy làm sao để mèo cũ quen mèo mới? Dưới đây là các cách để mèo cũ làm quen mèo mới, cho dù bạn mang về nhà một con mèo trưởng thành hay là một bé mèo con.
1. Tại sao mèo cũ đánh mèo mới?
Nếu bạn đã có một hoặc nhiều con mèo và bạn mang một con mèo mới về nhà, phản ứng của mèo cũ có thể đơn giản là tránh con mèo mới. Hoặc, tình huống có thể nhanh chóng leo thang đến mức mèo mới và mèo cũ đánh nhau, chúng rít lên, lông dựng đứng và căng thẳng xảy ra.
Để hiểu rõ hơn về hành vi này, hãy xem cách mèo nhà tương tác trong môi trường hoang dã. Ở trạng thái hoang dã, mèo sống trong các nhóm xã hội và biết ai là thành viên trong nhóm của chúng. Các thành viên trong nhóm thường giúp đỡ lẫn nhau.
Ví dụ, nếu một con mèo đực, to lớn lạ hoắc đến gần, nó có thể bị coi là mối nguy hiểm đối với bất kỳ con mèo nào trong nhóm. Vì những con mèo đực có xu hướng giết mèo con của nhóm khác nếu chúng có thể tiếp cận chúng. Để phòng ngừa điều này, các con mèo trưởng thành trong nhóm có thể tấn công con đực lạ để bảo vệ mèo con.
Nếu con đực mới muốn trở thành một thành viên của nhóm, nó có thể sẽ cần vài tuần hoặc vài tháng để sống yên bình và kiên nhẫn quanh khu vực ngoại vi của nhóm. Nó sẽ phải dần dần tương tác với những con mèo trưởng thành khác trong nhóm và chứng tỏ rằng mình không phải là mối nguy hiểm cho nhóm trước khi nó có cơ hội được nhận làm thành viên.
Khi bạn mang một con mèo mới vào môi trường sống trong nhà, mèo của bạn có thể sẽ cư xử theo cách tương tự. Chúng sẽ coi con mèo mới như một người lạ chứ không phải là một thành viên trong gia đình. Điều này là bình thường. Điều này có nghĩa là mèo cũ sợ mèo mới đó và nó cần thời gian để biết rằng con mèo mới không phải là mối nguy hiểm. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cách để mèo cũ làm quen mèo mới.
2. Cách để mèo cũ làm quen mèo mới
a. Chuẩn bị một căn phòng riêng biệt
Bước đầu tiên để làm quen mèo cũ với mèo mới là tách chúng ra. Bạn nên chọn và sắp xếp một căn phòng với môi trường an toàn và yên tĩnh cho chú mèo mới của mình. Căn phòng này phải tách biệt với phần còn lại của ngôi nhà và các con mèo cũ. Phòng khách, phòng thông với các phòng khác hay phòng tắm đều không phải là lựa chọn tốt!
Căn phòng này sẽ làm giảm bớt căng thẳng, bỡ ngỡ và cảm giác xa lạ của tân binh, giúp cho chúng có một nơi an toàn để lui tới trong khi khám phá phần còn lại của ngôi nhà. Bạn có thể đóng cửa phòng này khi cần thiết và không sử dụng nó trong ít nhất vài ngày trước khi cho mèo mới vô. Dưới đây là một vài vật dụng mà bạn cần trang bị cho căn phòng.
- Thức ăn: nên dùng loại thức ăn cùng nhãn hiệu với loại thức ăn mà mèo mới ăn ở nhà cũ. Điều này không chỉ giúp chúng bớt căng thẳng mà còn tránh được chứng rối loạn tiêu hóa. Để chuẩn bị tốt hơn, bạn có thể xem thêm các dấu hiệu của chứng rối loạn tiêu hóa ở mèo của chúng tôi.
Bạn cũng nên chuẩn bị một ít thức ăn tươi cho mèo. Nếu mèo có vẻ thích, bạn có thể chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ. Sau này, khi mèo đã ổn định, bạn có thể nghĩ đến việc chuyển mèo sang thức ăn mới cho mèo mà bạn muốn.
- Nước uống: hãy chuẩn bị một bát nước sạch cho mèo và thay nước thường xuyên. Lưu ý là bạn nên chọn bát nước nông và có miệng rộng, điều này sẽ giảm áp lực lên râu mèo vì râu của chúng cực kỳ nhạy. Uống nước trong một cái bát quá sâu có thể khiến mèo mỏi râu và stress. Bạn có thể biết thêm chứng mỏi râu của mèo trên website của chúng tôi. Bạn có thể dùng loại bát inox với đường kính rộng như trong hình.
-
Khay vệ sinh: hộp vệ sinh của mèo phải phù hợp với kích thước và độ tuổi của mèo. Đừng đặt một hộp cát quá bự với một con mèo quá nhỏ; điều này sẽ cản trở việc ra vào nhà vệ sinh của nó. Bạn có thể chọn nhà vệ sinh phù hợp cho mèo theo cách của chúng tôi. Nếu mèo mới của bạn đã sử dụng loại cát ở nhà cũ, bạn nên sử dụng cùng một loại đó. Sau đó, khi mèo đã ổn định, bạn có thể thay thế dần bằng loại phù hợp hơn.
-
Cột cho mèo leo trèo – cat tree: giúp hạn chế đồ đạc trong phòng bị mèo cào cấu.
- Chỗ ngủ: bạn có thể chuẩn bị một tấm nệm hoặc một cái hộp carton.
- Đồ chơi: cần để kích thích thể chất và tinh thần của mèo.
b. Mang mèo mới về nhà
- Trước khi đem mèo mới về nhà, hãy hỏi kỹ người cho hoặc mang bé tới bác sĩ thú y (nếu bạn nhặt mèo hoang về) để xem bé có mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm ở mèo nào không. Nếu bạn nhận ra bất cứ dấu hiệu mèo bị bệnh truyền nhiễm nào như hướng dẫn, hãy lập tức mang chúng tới thú y để chữa trị.
Hãy khéo léo dẫn bé mèo mới vô nhà sao cho những con mèo khác của bạn không nhận thấy. Hãy sử dụng cửa sau hoặc nhờ ai đó đánh lạc hướng mèo cũ trong khi bạn đưa mèo mới vào phòng bạn đã chuẩn bị trước.
- Khi đã đem mèo mới vô phòng, bạn hãy đặt bé xuống sàn và rời đi. Hãy cho chúng không gian và thời gian để thích nghi với môi trường mới, trước khi tiếp xúc với bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải để mắt tới ẻm, đặc biệt nếu đó là mèo con.
c. Quan tâm đến mèo cũ
Cách để mèo cũ làm quen mèo mới trong hòa bình là hãy quan tâm đến (những) con mèo cũ của bạn. Điều quan trọng là không để các bé mèo hiện có của bạn cảm thấy bị bỏ rơi. Hãy cố gắng duy trì sự quan tâm hoặc quan tâm nhiều hơn một chút cho các em mèo cũ. Nhưng đừng làm quá, vì điều này có thể khiến mèo cũ cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Chơi đùa, vuốt ve, chải lông cho mèo hoặc chỉ để mèo ngồi trong lòng bạn hoặc nằm cạnh bạn là được rồi. Chú ý rằng các tương tác ngắn nhưng thường xuyên sẽ tốt hơn việc bạn tương tác với mèo dài nhưng lại lác đác. Để dành thời gian cho mèo tốt hơn, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn cách vuốt ve cho mèo phê pha và cách chải lông cho mèo đúng chuẩn.
d. Dành thời gian cho mèo mới
Cách để mèo cũ làm quen mèo mới là dành thời gian cho mèo mới. Có thể bạn muốn dành nhiều thời gian với chú mèo mới nhưng đừng vì yêu mà cứ đâm đầu. Bạn chỉ nên làm sạch hộp vệ sinh, thay thức ăn và nước uống trong vài ngày đầu tiên và quan sát cách mèo mới phản ứng với sự hiện diện của bạn. Đừng nên quá can thiệp và hoạt động và sinh hoạt của nó.
Việc quan sát giúp bạn sửa đổi cách giao tiếp cho phù hợp. Nếu mèo mới bắt đầu tương tác và lại gần bạn, hãy thoải mái và chơi với nó. Tuy nhiên, khi mèo tỏ ra hung dữ và sợ hãi thì tốt nhất là nên rút lui, bước ra xa vài bước hoặc rời khỏi phòng.
e. Cho mèo ngửi mùi hương của nhau
Nếu bạn đã dành một vài ngày để mèo mới quen với môi trường xung quanh, thì có khả năng mèo cũ và mèo mới đều đã biết về sự tồn tại của nhau. Điều này là tốt vì nó giống bước đệm để cả hai bên quen nhau từ từ. Mùi là cách mà mèo biết về môi trường xung quanh chúng, mèo cũng nhận biết và làm quen với đồng loại và các con vật khác bằng mùi. Vì vậy, cho mèo ngửi mùi hương của nhau là cách để mèo cũ làm quen mèo mới.
Có một số cách để mèo cũ làm quen mèo mới thông qua mùi hương:
-
Để mèo cũ và mèo mới ăn chung nhưng hãy để vách ngăn giữa chúng. Điều này giúp các con mèo có thời gian để tìm hiểu nhau thông qua mùi hương và tiếng động đặc trưng của mỗi con.
-
Chải lông cho mèo mới và mèo cũ bằng cùng một chiếc lược. Mèo có các tuyến mùi hương trên khắp cơ thể. Bạn nên thỉnh thoảng chải lông cho tất cả các con mèo, tập trung chủ yếu vào trán, má và cằm của chúng. Đây có lẽ là ý tưởng tuyệt vời giúp quá trình mèo mới và mèo cũ làm quen nhau diễn ra suôn sẻ hơn và khiến chúng gắn kết hơn.
-
Dùng một miếng vải xoa lên má mèo mới và đưa miếng vải cho con mèo cũ ngửi. Sau một thời gian, bạn có thể làm ngược lại bằng cách để mèo mới ngửi khăn có mùi của mèo cũ. Tuy nhiên, nếu một trong hai bên có phản ứng dữ dội với miếng vải, bạn nên tạm hoãn cho chúng gặp nhau.
-
Sử dụng cùng một đồ chơi để chơi với các con mèo. Bạn nên khuyến khích mèo ngửi mùi của những con khác trong thời gian vui chơi, vì lúc này tâm trạng chúng đang tốt.
-
Cách để mèo cũ làm quen mèo mới là cho chúng trao đổi lãnh thổ trong một thời gian ngắn, khi mèo mới đã cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong không gian của nó. Bạn có thể tạm nhốt con mèo cũ trong lồng và để con mèo mới khám phá các phòng bên cạnh hoặc bạn cũng có thể đưa con mèo mới đến một căn phòng khác và để con mèo hiện có khám phá nơi đó. Bạn cũng có thể dùng đồ chơi để khuyến khích chúng khám phá.
f. Cho mèo mới và mèo cũ nhìn thấy nhau
Khi thời gian trôi qua, sự tò mò và tự tin của tất cả các con mèo đã tốt lên, bạn có thể bắt đầu cho chúng gặp mặt giao lưu trực tiếp.
- Đầu tiên, bạn hãy chơi với tất cả những con mèo cho đến khi chúng có vẻ hơi mệt. 15 phút tập thể dục có lẽ đủ làm những con mèo bớt kích động và hung hăng.
-
Sau đó, bạn hãy cho tất cả con mèo ăn. Bạn có thể đặt thức ăn cho mèo mới trong phòng càng xa cửa càng tốt, còn khay thức ăn của mèo cũ thì để bên ngoài phòng. Và sau đó, trong khi cả hai con mèo đang ăn, hãy từ từ mở cửa và cúi người xuống, giữ yên hai con mèo của bạn ở vị trí. Và bạn có thể đóng cửa ngay lập tức nếu cần thiết.
-
Bước tiếp theo có thể khác nhau tùy từng trường hợp:
- Nếu những con mèo tiếp tục ăn và ít hoặc không để ý đến nhau, điều này là tốt. Bạn cứ để chúng ăn và từ từ đóng cửa lại. Lần sau, bạn có thể di chuyển bát lại gần hoặc giữ cửa mở lâu hơn và kiểm tra xem điều gì xảy ra tiếp theo.
- Nếu những con mèo bỏ ăn và vẫn giữ khoảng cách. Điều này không có gì đáng lo ngại. Bạn cứ để chúng quan sát nhau một lúc. Nếu bạn nhận thấy mèo cũ khè mèo mới hay ngược lại, mèo cũ sợ mèo mới, thì hãy từ từ đóng cửa lại. Có lẽ bạn nên chờ vài ngày trước khi thử lại và để cửa mở trong thời gian ngắn hơn vào lần sau.
- Nếu mèo cũ cắn mèo mới, bạn cần đóng cửa và rời đi. Bạn không cần chú ý đến những gì đã xảy ra và cũng không cố gắng làm dịu đi không khí căng thẳng hoặc trừng phạt mèo. Điều này cho có nghĩa mèo mới và mèo cũ chưa sẵn sàng giao lưu trực tiếp. Bạn nên quay lại bước cho chúng trao đổi mùi hương.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đồ chơi thay vì đồ ăn hoặc đánh lạc hướng chúng theo những cách tích cực khác.
g. Để mèo mới và mèo cũ gặp trực tiếp
Có nhiều cách để mèo cũ quen mèo mới gặp nhau trực tiếp. Tốt nhất bạn nên kết thúc buổi giao lưu ngay khi có dấu hiệu bất hòa để tránh cho mèo mới và mèo cũ có hành động gây hấn nào. Hãy quan sát kỹ ngôn ngữ cơ thể của mèo để biết khi nào chúng bắt đầu không thích quá trình này và cố gắng tách cả hai con mèo trước khi ẩu đả xảy ra. Bạn có thể tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể mèo theo hướng dẫn.
Nếu bạn cho rằng nhịp điệu của buổi gặp mặt hơi chậm, thì hãy chia thành nhiều buổi ngắn. Bạn nên cân nhắc đóng cửa vào ban đêm hoặc những lúc bạn không có nhà. Cuối cùng, khi mèo mới và mèo cũ đã hòa hợp, bạn sẽ không cần đóng cửa hay phải giám sát các hoạt động giữa chúng nữa. Giờ đây, chúng đã là “anh em một nhà”!
3. Lưu ý
Đôi khi, ngay cả khi bạn đã làm theo tất cả các cách mèo cũ quen mèo mới được nêu trên, chúng vẫn không thể hòa hợp được, thậm chí cả vài tuần sau đó. Lý do cho việc này có thể là:
-
Con mèo của bạn có lẽ đã không gặp một con mèo khác trong một thời gian dài. Những con mèo đã sống một mình trong thời gian dài đơn giản có thể cần một thời gian để quen với sự hiện diện của một con mèo khác.
-
Khi còn là mèo con, mèo của bạn có thể đã bỏ lỡ việc học các phép xã giao của mèo từ những con mèo trưởng thành trong những giai đoạn xã hội hóa quan trọng. Những giai đoạn này đối với mèo con là từ 2 đến 7 tuần tuổi, nhưng những tuần từ 8 đến 16 tuần cũng là một thời điểm quan trọng. Nếu con mèo cũ của bạn không được hòa đồng với đồng loại của chúng khi còn nhỏ hoặc không gặp một con mèo khác trong một thời gian dài, chúng có thể mất nhiều thời gian hơn cho đến khi chúng cảm thấy thoải mái với con mèo mới.
- Ngay cả khi có nhiều thời gian và sự tiếp xúc cẩn thận, mèo mới và mèo cũ vẫn có thể không hòa hợp. Đôi khi, đó là vấn đề về tính cách. Cũng giống như con người, mỗi con mèo là một cá thể độc đáo và có những sở thích riêng. Một số người có thể thích hoặc không thích một số người khác và vấn đề này cũng có thể xảy ra giữa mèo.
Nếu đó là nguyên nhân khiến mèo mới và mèo cũ không thể hòa hợp, thì mục tiêu cuối cùng của bạn đối với những con mèo này là tránh tình trạng chúng gây hấn với nhau. Nếu bạn có hai con mèo thực sự không thích nhau vì bất kỳ lý do gì, chúng có thể không bao giờ âu yếm và chải lông cho nhau. Nhưng, mục tiêu của bạn là để mèo mới và mèo cũ có thể ở cùng phòng mà không đánh nhau.
Tổng kết
- Chuẩn bị một căn phòng cho mèo mới với đầy đủ vật dụng cần thiết
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe mèo mới trước khi đem chúng về nhà
- Dành thời gian cho mèo mới và vẫn quan tâm mèo cũ
- Cho mèo làm quen mùi hương của nhau
- Tập cho mèo nhìn thấy nhau từ từ
- Cho mèo gặp mặt trực tiếp
Trên đây là cách để mèo cũ làm quen mèo mới trong yên bình. Điều quan trọng là bạn phải giới thiệu chúng một cách thật từ tốn, chậm rãi và kiên nhẫn.