Râu mèo là gì?

  • Tên gọi khác: Bông bạc, Mao trao thảo,…
  • Tên khoa học: Orthosiphon stamineus Benth hay Orthorsiphon aristatus (Blume) Miq.
  • Họ khoa học: Họ Hoa môi (Lamiaceae)
  • Tên dược liệu: Toàn cây – Herba Orthosiphonis.

Ý nghĩa tên gọi: Vì nhị và nhụy của hoa vươn ra ngoài nhìn giống như râu con mèo.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng:

Cây râu mèo có khoảng 40 loài trên thế giới, phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi… Việt Nam có khoảng 8 loài. Cây này thường mọc trong vùng nhiệt đới Đông Nam Á như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây râu mèo được tìm thấy ở Thanh Hóa, Lâm Đồng, Phú Yên…

Cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường mọc trên đất giàu mùn ở ven rừng, gần bờ nước. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, bắt đầu tàn lụi vào mùa đông. Cây ra hoa và quả hằng năm, tái sinh chủ yếu bằng hạt. Râu mèo có thể tái sinh bằng chồi khỏe, dù cành bị cắt ngang. Cây thích hợp trên nhiều loại đất, không chịu được ngập úng.

Thu hái:

Nên thu hoạch râu mèo vào khoảng tháng 9, khi cây bắt đầu ra hoa và chứa nhiều dược tính tốt nhất. Thu hoạch cây khi đang phát triển mạnh mẽ, không quá non hay quá già. Sau khi thu hoạch, cây râu mèo được rửa sạch để loại bỏ tạp chất, sau đó cắt thành từng khúc nhỏ để phơi hoặc sấy khô.

Mô tả toàn cây Râu mèo

Râu mèo là cây thân thảo nhiệt đới điển hình, có thể cao tối đa 60 cm, trung bình cây cao 30 cm. Thân cây râu mèo ít phân nhánh, có cạnh, rãnh dọc, được bao phủ bởi lông mịn trên bề mặt lúc non, sắc xanh, còn khi về già sẽ chuyển sang màu tím.

Cây có lá đơn, mọc đối chữ thập, cuống lá ngắn. Phiến lá có kích thước trung bình 5 cm dài, 2-3 cm rộng, có những răng cưa ở 2/3 mép, mặt lá màu xanh đậm. Gân lá chính cũng có lông mịn.

Cụm hoa của cây mọc ở đầu cành và ngọn thân, gồm 6-10 vòng, mỗi vòng có 6 hoa trắng hoặc tím nhẹ. Nhụy và nhị mọc vươn dài ra ngoài, dài hơn 2 lần so với cánh hoa. Đầu nhụy và bao phấn có màu tím. Lá bắc nhỏ sẽ rụng sớm, đài hoa có 5 răng, răng trên rộng. Tràng hoa hình ống hẹp, dài 2 cm, hơi cong, môi trên chia thành 3 thùy. Dược liệu có vị mặn ít, hơi đắng, có mùi thơm đặc trưng.

Quả của cây bé, nhăn như bế tư.

Bảo quản

Đối với dược liệu râu mèo đã qua sơ chế, cần bảo quản nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Tác dụng của Râu mèo

Thành phần hóa học

Theo nhiều tài liệu, râu mèo có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Tinh dầu 0,2%-0,6%, alkaloid, saponin, tannin 5-6%, dầu béo, đường glucose 5%…
  • Các acid hữu cơ acid glycoid, acid tartric, acid citric..
  • Muối vô cơ 12%, đặc biệt là muối kali.
  • Glycosid (Kaempferol 3-O-b-glucosid, Quercetin 3-O-b-glucosid, Esculetin), Orthosiphonin, flavonoid, cholin, betain, triterpene alcol

Tác dụng Y học hiện đại

Lợi tiểu, tăng cường bài tiết nước tiểu: Nhờ có nguồn flavonoid, cây râu mèo có tác dụng giúp bài tiết nước tiểu, từ đó giảm phù thũng.

Hỗ trợ điều trị sỏi thận, gout: Râu mèo chứa hoạt chất orthosiphonin, giúp duy trì muối urat và acid uric ở dạng hòa tan, từ đó tăng quá trình đào thải oxalate.

Hạ đường huyết: Dược liệu kích thích quá trình hình thành glycogen ở gan.

Chống oxy hóa: Râu mèo chứa nhiều flavonoid, có tác dụng ngăn ngừa các gốc tự do, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Giảm đau: Dược liệu có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay.

Kháng khuẩn: Râu mèo ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như Streptococcus, S. aureus…

Chống viêm, hạ sốt: Râu mèo ức chế hoạt động của đại thực bào, giúp chống viêm và tăng cường miễn dịch cơ thể.

Bảo vệ gan: Chất ly trích từ râu mèo bằng metanol từ lá cho thấy có tác dụng bảo vệ gan bị tổn hại do việc dùng quá liều paracetamol.

Tác dụng Y học cổ truyền

Râu mèo có tính vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát. Quy kinh của cây râu mèo là kinh Thận và Bàng quang. Công dụng của cây bao gồm thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi tiểu, giảm đau… Râu mèo được sử dụng để chữa sỏi thận, tiêu tiểu không thông lợi, phù thũng, đau nhức xương khớp, gout, rối loạn tiêu hóa…

Cách sử dụng Râu mèo

Cách sử dụng râu mèo phụ thuộc vào mục đích sử dụng, có thể dùng trong nhiều hình thức và liều lượng khác nhau. Râu mèo có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, tán bột pha nước uống, cao lỏng… dưới cả dạng khô và tươi.

Liều dùng:

Dạng sắc:

  • Toàn cây: 30-50g/ ngày (khô).
  • Lá: 5-12g/ngày (tươi).

Cao lỏng: 3-5g/ngày.

Cách sử dụng:

Râu mèo được pha chế như hãm trà, với 0,5l nước sôi trong 10 phút, chia 2 lần uống mỗi ngày, liên tục trong 10 ngày rồi nghỉ 2-4 ngày, sau đó có thể sử dụng tiếp.

Một số bài thuốc từ Râu mèo

Hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu

Chế phẩm gồm: Râu mèo 10g, rửa sạch hãm với nước sôi như trà, chia 2 lần uống mỗi ngày, trước bữa ăn khoảng 15 phút.

Lợi tiểu, trị tiểu lắt nhắt, tiểu buốt

Chế phẩm gồm: Râu mèo tươi 40g, Thài lài trắng 30g, Hoạt thạch 6g, đem tất cả dược liệu rửa sạch rồi sắc uống, 2-3 lần/ ngày, cho đến khi hết triệu chứng.

Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, thanh nhiệt, giải độc, nóng trong người

Chế phẩm gồm: Râu mèo khô, chó đẻ, cỏ lưỡi rắn, cỏ mực mỗi loại 30g, atiso 20g, đem tất cả dược liệu rửa sạch rồi sắc uống, 2-3 lần/ ngày, uống 3 tuần, nghỉ 1 tuần, trong 3 tháng.

Kiêng kỵ

  • Không sử dụng râu mèo nếu bạn mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu cần sử dụng râu mèo cẩn thận.
  • Không nên dùng râu mèo thường xuyên và lâu dài với liều cao theo nghiên cứu, vì có tác động đến cân bằng ion K+, Na+… và các phân hóa tố.

Râu mèo từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng, dược liệu này đã được ứng dụng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, để tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để kiểm soát rủi ro và tránh những tác dụng không mong muốn.